Các ứng dụng phân tích dữ liệu trong ngành nhân sự

Ngày đăng: 01/11/2022

Nhân sự từ lâu đã đóng vai trò vô cùng quan trọng trong các tổ chức, công ty và việc nắm bắt được tình hình nhân sự luôn là bài toán mà các nhà quản lý luôn lưu tâm. Đặc biệt bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng, khối lượng dữ liệu ngày càng trở nên khổng lồ. Các tổ chức, doanh nghiệp ngày càng có xu hướng sử dụng dữ liệu để phát hiện những thông tin quan trọng, cần thiết cho quá trình quản trị nhân lực và các quyết định ngày càng trở nên phổ biến hơn và giảm bớt sử dụng những suy đoán cảm tính. Và công cụ hữu hiệu phục vụ cho quá trình quản lý nhân sự hiện nay có thể kể tới Power BI, dưới đây là ứng dụng Power BI trong phân tích tình hình nhân sự.

Một số ứng dụng phân tích dữ liệu trong ngành nhân sự 

Phân tích tuyển dụng nhân sự.

Tuyển dụng nhân sự là một nhiệm vụ rất quan trọng trong ngành nhân sự. Việc tuyển dụng tốt sẽ giúp cho tổ chức, doanh nghiệp có nguồn nhân lực đảm bảo để hoạt động. Thông qua phân tích dữ liệu, bộ phận nhân sự cũng như các nhà quản trị có thể nhìn ra được tình hình tuyển dụng ra sao.  

Một khía cạnh có thể được để ý tới như tình hình tuyển dụng của tổ chức, doanh nghiệp. Phân tích dữ liệu có thể chỉ ra được tình hình quy trình tuyển dụng ra sao. Cụ thể như các bước trong quy trình tuyển dụng gồm các bước gì và tại từng bước thì có bao nhiêu ứng viên hay tỷ lệ qua từng bước là bao nhiêu. Những chỉ số khác có thể kể đến như số vị trí trống, hay thông tin tuyển dụng theo từng nhân viên phụ trách,… 

Mẫu báo cáo tuyển dụng nhân sự

Mẫu báo cáo tình hình tuyển dụng 

(Nguồn ảnh: Agile Analytics, UniTrain) 

Với ví dụ về báo cáo phân tích tuyển dụng trên, có thể thấy chỉ số về tình hình tuyển dụng được phân tích thông qua biểu đồ phễu. Quy trình tuyển dụng có thể dễ dàng quan sát với từng khâu trong quy trình tuyển dụng là gì, số lượng cũng như tỷ lệ ứng viên qua từng vòng tuyển. Một chỉ số khác được phân tích ở đây là số lượng vị trí trống so với số lượng đã được tuyển theo từng phòng ban. Chỉ số này được phân tích thông qua biểu đồ cột góc dưới bên trái; và qua đó có thể thấy tương quan tình hình nhân sự theo từng phòng ban và nhu cầu chưa nhân sự chưa được đáp ứng. Ngoài ra, thông tin tuyển dụng theo người phụ trách cũng được tổng hợp, với bảng thông tin tổng hợp đặt ở giữa trang báo cáo và những biểu đồ còn lại. 

Mẫu báo cáo tình hình tuyển dụng 

(Nguồn ảnh: Agile Analytics, UniTrain) 

Ví dụ về báo cáo phân tích này lại cung cấp một số chỉ số chi tiết khác cũng quan trọng trong tuyển dụng. Cụ thể, thông tin ứng viên theo từng vòng tuyển dụng được chi tiết hơn khi chia theo từng cấp độ vị trí việc làm. Và tại mỗi cấp độ ấy, vị trí trống theo từng phòng ban là bao nhiêu, và quan trọng là thời gian để tuyển dụng thành công là bao nhiêu theo từng cấp độ vị trí việc làm. 

Ngoài ra, còn nhiều mặt có thể được phân tích trong tuyển dụng, và trên đây chỉ là một vài ví dụ minh họa cho việc phân tích đó. 

Phân tích tình hình nhân viên nghỉ việc  

Sự gắn bó của nhân viên đối với mỗi tổ chức, doanh nghiệp đóng góp vai trò quan trọng. Đây là một trong những yếu tổ góp phần tạo nên sự ổn định trong hoạt động của tổ chức. Do đó, sự thay đổi về nguồn nhân lực là điều nhà tuyển dụng luôn đặt sự quan tâm hàng đầu. Phân tích chỉ số  nhân viên nghỉ việc hay tỷ lệ nhân viên nghỉ việc qua thời gian có thể giúp chỉ ra khoảng thời điểm nào số nhân viên nghỉ việc là lớn nhất. Khi nắm bắt được lý do nghỉ việc của nhân viên là gì và những nhân viên đó thuộc phòng ban nào, chức vụ của họ là gì, mức lương của họ,… cũng giúp cho nhà quản trị có một cái nhìn sâu hơn về tình hình nghỉ việc của nhân viên từ đó đưa ra các biện pháp về quản trị nhân sự để khắc phục những vướng mắc vốn có.

Mẫu báo cáo nhân viên nghỉ việc 

(Nguồn ảnh: Agile Analytics, UniTrain) 

Ở báo cáo này, xu hướng của số nhân viên nghỉ việc qua thời gian được thể hiện thông qua các biểu đổ đường kẻ, và chi tiết còn có thông tin về số nhân viên được tuyển mới so với nhân viên đã nghỉ việc. Tỷ lệ nhân viên nghỉ việc theo giới tính, theo phòng ban và số nhân viên nghỉ việc theo cấp độ vị trí làm việc cũng được thể hiện trong báo cáo trên.  

Mẫu báo cáo nhân viên nghỉ việc 

(Nguồn ảnh: Agile Analytics, UniTrain) 

Đây là một báo cáo khác phân tích về nhân viên nghỉ việc. Tại báo cáo này, bên cạnh những chỉ số được chỉ ra tương tự báo cáo trước đó thì chỉ số nhân viên nghỉ việc theo từng lý do nghỉ việc được làm rõ hơn. Bên cạnh đó, thông tin về thời gian đã làm việc tại tổ chức hay độ tuổi của các nhân viên nghỉ việc cũng được phân tích để làm rõ hơn những nhận định của người quản lý. 

Phân tích đào tạo nhân sự

Mảng đào tạo cũng là điều mà các tổ chức, doanh nghiệp chú ý đối với nguồn nhân lực của mình. Để có được nguồn nhân lực có chất lượng tốt hơn, các nhà quản lý nhân sự phải có các chương trình đào tạo nâng cao trình độ nguồn nhân lực. Chính vì vậy, phân tích dữ liệu ở góc nhìn này giúp nhà quản trị kiểm soát được hiệu quả của các chương trình đào tạo đã và đang diễn ra từ đó có điều chỉnh phù hợp hơn. Những chỉ số có thể được phân tích như là số lượng chương trình đào tạo, số lượng nhân viên tham gia, thời lượng đào tạo… Đặc biệt, cần chú ý tới chi phí cho mỗi chương trình đào tạo, chi phí trung bình cho mỗi người tham gia.

Mẫu báo cáo tình hình đào tạo 

(Nguồn ảnh: Agile Analytics, UniTrain) 

Ở đây, chỉ số được phân tích dễ thấy gồm có tổng số lượng chương trình đào tạo, tổng nhân viên tham gia và tổng chi phí cho các chương trình đào tạo, cũng như chi phí đào tạo trung bình cho từng người. Các chỉ số này được trình bày trên các thẻ ở dòng đầu tiên. Bên cạnh đó còn có chỉ số về chi phí cho từng chương trình đào tạo thể hiện qua biểu đồ cột nằm ngang. 

Phân tích lương thưởng 

Chi phí cho nguồn nhân lực là một trong những chi phí lớn nhất trong mỗi tổ chức, doanh nghiệp. Do đó, những thông tin về lương thưởng của nhân viên nên được tổng hợp, phân tích để nhà quản trị nắm rõ tình hình hoạt động. Các chỉ số có thể được phân tích như tổng lương mà doanh nghiệp chi trả theo thời gian để chỉ ra rằng qua các giai đoạn thì xu hướng ra sao, mức lương thưởng theo từng chi nhánh, theo từng phòng ban để xem liệu có sự chênh lệch lương thưởng bất thường nào xảy ra hay không. Hoặc phân tích mức lương thưởng theo thâm niên làm việc của nhân viên, theo nhân khẩu học cũng có thể giúp nhà quản trị đưa ra những chính sách phù hợp hơn với thực tế.  

Mẫu báo cáo phân tích mức lương 

(Nguồn ảnh: Agile Analytics, UniTrain) 

Trong mẫu báo cáo này, chỉ số về mức lương trung bình theo thời gian mà doanh nghiệp cần trả cho nhân viên được thể hiện qua biểu đồ đường kẻ ở giữa trang báo cáo. Các chỉ số về mức lương theo từng phòng ban, mức lương theo độ tuổi của nhân viên được trình bày thông qua những biểu đồ cột nằm ngang. Ngoài ra, mức lương trung bình theo giới tính và theo cấp độ vị trí công việc cũng được phân tích giúp nhà quản trị đưa ra chính sách hợp lý. 

Tổng kết 

Trên đây chỉ là một vài ứng dụng của phân tích dữ liệu trong ngành nhân sự sử dụng nền tảng Power BI, tuy nhiên cũng có thể nhận ra rằng nếu tổ chức, doanh nghiệp thực hiện được việc phân tích này thì sẽ có được rất nhiều thông tin hữu ích để giúp nhà quản trị đưa ra chính sách phù hợp với thực tiễn. Hơn nữa, việc phân tích này cũng giúp lãnh đạo luôn cập nhật, bám sát tình hình hoạt động tại tổ chức của mình.  Để thực hiện được những phân tích này, các tổ chức, doanh nghiệp cần thực hiện việc thu thập dữ liệu, lưu trữ dữ liệu và cập nhật dữ liệu thường xuyên. Bên cạnh đó, họ cũng cần có đội ngũ có năng lực để phân tích và cần có giải pháp hay các công cụ để thực hiện việc việc phân tích đó.

Tham khảo thêm các bài viết khác về Power BI tại: Power BI Archives – Datapot.vn

Tham khảo thêm khóa học: PL – 300: Microsoft Power BI Data Analyst

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *